Nguyên nhân và sự chuẩn bị Sự biến Cam Lộ

Hoạn quan lộng quyền

Từ sau loạn An Sử, triều đại nhà Đường dần dần bước vào thời kì suy yếu. Ở bên ngoài, các Tiết độ sứ được trao cho những lãnh địa rộng lớn bắt đầu tỏ ý li khai với triều đình, trong đó một số nhanh chóng bị đánh dẹp, một số Tiết độ sứ khác do có thế lực quá lớn khiến triều đình cũng không thể giành được thắng lợi trong những lần thảo phạt, cuối cùng phải công nhận chức vị của họ. Các Tiết độ sứ này nhiều lúc còn gây ra nhiều cuộc phản loạn lớn, đe dọa đến sự tồn tại của nhà Đường, như sự biến Phụng Thiên (783 - 784) dưới thời Đường Đức Tông. Đặc biệt ba trấn ở vùng Hà Bắc (Thành Đức, Ngụy Bác, Lư Long) xem như đã hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của nhà Đường từ năm 821.

Trong khi đó tình hình trong triều cũng rơi vào khủng hoảng với việc nhiều hoạn quan được trọng dụng, nắm được quyền lực và lấn át các hoàng đế, mở đầu là Lý Phụ Quốc dưới thời Đường Túc Tông (756 - 762). Sang thời Đường Đại Tông (762 - 779) và Đường Đức Tông (779 - 805), các hoàng đế tuy có thể loại bỏ được một số hoạn quan chuyên quyền, nhưng lại nhanh chóng tín nhiệm những hoạn quan khác, dẫn đến tình trạng hoạn quan chuyên quyền không những không bị dập tắt mà còn ngày một lớn mạnh. Sau thời Đức Tông, hoạn quan bắt đầu nắm được quyền kiểm soát triều chính và gây ra những vụ phế lập hay chính biến

  1. Năm 805, Đường Thuận Tông Lý Tụng - vừa lên ngôi được 7 tháng và đang phát động một cuộc cải cách đất nước - đã bị nhóm hoạn quan, đứng đầu là Câu Văn Trân ép phải nhường ngôi cho con trai mình là thái tử Lý Thuần. Lý Thuần đăng cơ, tức là Đường Hiến Tông.[4]
  2. Năm 820, bản thân Hiến Tông cũng bị hoạn quan Trần Hoằng Chí hạ độc sát hại, hưởng thọ 43 tuổi[5]
  3. Sau cái chết của Hiến Tông, các hoạn quan nổ ra cuộc tranh chấp với nhau về người thừa kế ngôi vị. Tả Trung úy Thổ Đột Thừa Thôi âm mưu phế thái tử Hằng để lập Lễ vương Uẩn lên ngôi. Các hoạn quan khác là Vương Thủ Trừng, Mã Tiến Đàm, Lưu Thừa Giai... hợp sức tôn lập thái tử, giết Lễ vương Uẩn và Thổ Đột Thừa Thôi. Thái tử Hằng đăng cơ, tức là Đường Mục Tông.[5]
  4. Năm 827, Đường Kính Tông (824 - 827, con Mục Tông) bị nhóm hoạn quan do Lưu Khắc Minh cầm đầu giết chết ở trong cung. Lưu Khắc Minh muốn khống chế triều đình và đưa con trai của Đường Hiến Tông là Giáng vương Lý Ngộ làm hoàng đế. Các hoạn quan gồm Xu mật sứ Vương Thủ Trừng, Trung úy Lương Thủ Khiêm, Ngụy Tòng Gián dẫn quân đội Thần Sách tiến vào cung tiêu diệt bọn Khắc Minh, tôn hoàng đệ Giang vương Hàm lên ngôi, tức là Đường Văn Tông (827 - 841)[6].

Tuy được hoạn quan ủng hộ lên ngôi, nhưng Văn Tông vẫn mang lòng thù oán bọn này chuyên quyền và muốn tìm cách tiêu diệt, và bí mật tìm cách liên kết với một số tể tướng để thực hiện việc này.

Sự chuẩn bị của vua Đường

Giữa năm 830, Đường Văn Tông tìm cách liên hệ với Hàn lâm học sĩ Tống Thân Tích. Thấy Thân Tích là người có thể dùng được, Văn Tông phong ông ta làm tể tướng. Thân Tích lại tiến cử Lại bộ thị lang Vương Phan để giúp vua trong việc tiêu diệt hoạn quan sau này. Nhưng Vương Phan làm tiết lộ âm mưu này đến tai Vương Thủ Trừng, nên Thủ Trừng đã có sự chuẩn bị. Năm 831, Thủ Trừng ngầm giật dây cho Thần Sách đô ngu hậu Đậu Lư Trứ vu cáo Tống Thần Tích có ý đồ phế bỏ Văn Tông để lập hoàng đệ là Chương vương Lý Thấu. Văn Tông chưa truy xét kĩ càng đã vội tức giận, cho bãi chức Tống Thân Tích làm Tư mã Khai châu, Chương vương Thấu giáng làm Sào huyện công. Kế hoạch diệt trừ hoạn quan bước đầu thất bại[7][8].

Năm 834, dưới sự tiến cử của hoạn quan, Lý Trọng Ngôn (sau đổi tên là Lý Huấn) được bổ nhiệm lên chức tể tướng, đồng thời đại phu Trịnh Chú, vốn là người từng chữa bệnh cho Văn Tông cũng được trọng dụng. Hai người này khi trước vốn có quan hệ mật thiết với Vương Thủ Trừng. Văn Tông nghĩ rằng Lý Huấn và Trịnh Chú vốn được Vương Thủ Trừng tiến cử nên các hoạn quan sẽ không nghi ngờ hai người này, bèn bí mật liên lạc với họ và bàn kế diệt trừ hoạn quan. Vào mùa hạ năm 835, Lý Huấn và Trịnh Chú đề nghị lên Văn Tông một kế hoạch để yên định đất nước, gồm ba giai đoạn: Lúc đầu là tiêu diệt hoạn quan trong triều, sau đó là thu phục lại những vùng đất cũ bị người Thổ Phiên xâm chiếm, và thứ ba là tiêu diệt các Tiết độ sứ đang nắm quyền ở Hà Bắc[2].